Bóng đá Việt và giấc mộng xuất ngoại dang dở

Thất bại của Công Phượng sau hai năm ‘tu nghiệp’ tại Nhật Bản một lần nữa cho thấy chuyện thành công khi xuất ngoại thi đấu vẫn chưa bao giờ là dễ dàng với các cầu thủ Việt.

Khi giấc mộng xuất ngoại vẫn còn dang dở

Cách đây ít ngày, tiền đạo Nguyễn Công Phượng đã chính thức nói lời chia tay Yokohama FC sau 1 năm rưỡi sang Nhật Bản thi đấu. Ở thời điểm Phượng đưa ra quyết định trở lại xứ sở Mặt trời mọc, đã có nhiều lo ngại về việc anh sẽ tiếp tục ‘mất tích’ tại bến đỗ mới, như khi ngôi sao này còn chơi cho Mito Hollyhock trước đây.

Và cuối cùng điều đó cũng đã trở thành sự thực khi Phượng không đủ khả năng để tranh suất đá chính tại đội bóng Nhật Bản. Thậm chí, cầu thủ sinh năm 1995 còn không có nổi một trận đấu trọn vẹn với tổng thời lượng chưa đến 90 phút ra sân cùng đội bóng thành phố cảng Yokohama.

Bóng đá Việt và giấc mộng xuất ngoại dang dở 1

Dù đã nỗ lực thể hiện mình trong mắt HLV Yomoda Shuhei, song Công Phượng vẫn không thể cạnh tranh với dàn sao người Nhật của Yokohama. Ấn tượng sâu sắc nhất mà anh để lại có chăng chỉ là chuyện… pha cafe ngon như bình luận từ phía CLB Yokohama.

Thất bại tại Yokohama cũng đánh dấu lần thứ 4 xuất ngoại không thành công của Công Phượng trong sự nghiệp. Trước đó anh cũng đã không đạt được mục tiêu tỏa sáng nơi xứ người, khi ký hợp đồng khoác áo các đội bóng Mito Hollyhock, Incheon và Sint-Truidense VV.

Hiện chưa rõ bến đỗ tiếp theo của Nguyễn Công Phượng, nhưng ở tuổi 29 nhiều khả năng chân sút xứ Nghệ cũng đã chấp nhận khép lại giấc mơ xuất ngoại, để trở về nước thi đấu trong phần còn lại của sự nghiệp cầu thủ.

Dù thể lực, phong độ có thể không còn như xưa nhưng hiện vẫn có nhiều đội bóng sẵn sàng dang tay chào đón Công Phượng với những bản hợp đồng tiền tỉ. Chỉ có điều là Phượng sẽ chưa thể đá tại V.League ngay lập tức, khi thời hạn cuối để các đội đăng kí danh sách thi đấu cầu thủ nội đã trôi qua từ lâu.

Bóng đá Việt và giấc mộng xuất ngoại dang dở 2

Với sự thất bại của Phượng ở xứ người, như vậy vào lúc này làng bóng đá Việt Nam đã không còn cầu thủ nào đang thi đấu cho các CLB ở nước ngoài.

Trước đó, những Văn Hậu, Quang Hải, Văn Toàn, Văn Lâm cho tới bộ đôi sao trẻ HAGL là tiền đạo Vũ Minh Hiếu và trung vệ Nguyễn Cảnh Anh (từng chơi cho Cheonan City FC dưới dạng cho mượn) đều đã lần lượt thu dọn hành trang về nước, sau khi không thể có được một chỗ đứng ở các bến đỗ ngoại.

Như vậy hiện vẫn chưa có một cầu thủ người Việt Nam nào gặt hái được thành công khi xuất ngoại chơi bóng như cựu tiền đạo Lê Công Vinh – người đã có 9 trận đấu, 377 phút và ghi được 2 bàn thắng, 2 kiến tạo tại J-League 2 cho CLB Consadole Sapporo. Nếu thống kê cả Cúp Hoàng đế Nhật Bản thì thành tích của CV9 là 11 trận, 503 phút, 4 bàn thắng, 2 kiến tạo.

Kể từ sau chiến tích lịch sử giành ngôi á quân U23 châu lục tại Thường Châu, Trung Quốc, lứa cầu thủ U23 Việt Nam năm 2018 đã nhận được nhiều kì vọng về việc xuất ngoại và thành danh nơi xứ người. Nhưng đáng tiếc là tất cả đều đã không thể vượt qua, khi mà họ vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót về kinh nghiệm cũng như khả năng chơi bóng.

Bóng đá Việt và giấc mộng xuất ngoại dang dở 3

Thất bại của một ‘thế hệ vàng’ cầu thủ Việt Nam cũng khiến bóng đá Việt lúc này đang ‘trắng’ cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài. Theo Soccerway, Việt Nam cũng đang là 1 trong 3 nền bóng đá tại Đông Nam Á không có bất kỳ cầu thủ nào đang thi đấu ở nước ngoài, bên cạnh Campuchia và Brunei.

Ở thống kê này, Philippines có 22 cầu thủ thi đấu ở nước ngoài, Indonesia có 21 cầu thủ trong khi Thái Lan là 12. Với các nền bóng đá ít tên tuổi hơn như Malaysia cũng có 5 cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài. Ngay cả Lào, Timor Leste, Singapore hay Myanmar cũng có 2 cái tên đang thi đấu ở bên ngoài lãnh thổ.

 

Hệ lụy đáng ngại

Sau những gì đã diễn ra, có lẽ nhiều người cũng lo ngại rằng với một loạt những thương vụ xuất ngoại thất bại đó, sẽ không còn nhiều ngôi sao bóng đá Việt Nam sẵn sàng xuất ngoại trong tương lai.

Quang Hải dường như đã thôi ý định ra nước ngoài sau khi gia hạn hợp đồng 3 năm với CLB CAHN. Cùng lúc, tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức cũng được cho sẵn sàng gắn bó lâu dài tại V.League khi đầu quân cho một ‘ông lớn’ sau khi hết hạn hợp đồng với CLB Viettel.

Còn về trường hợp của Tuấn Hải, mặc dù bản thân chân sút này cũng muốn ra nước ngoài thử sức. Tuy nhiên trong bối cảnh CLB Hà Nội đang chật vật tìm lại phong độ, rất khó để anh có thể tính đến chuyện ra đi vào lúc này.

Và sau thất bại của những người đi trước, điều này có thể dẫn đến một hệ lụy là các cầu thủ Việt sẽ ‘ngại’ xuất ngoại. Trong bối cảnh nhiều ngôi sao bóng đá Việt Nam đang nhận được những đãi ngộ rất tốt, với những khoản lót tay tiền tỉ tại các đội bóng nội trong suốt thời gian qua, thì giấc mơ thi đấu nơi xứ người dường như cũng đã được họ gác lại một bên.

Trước một bên là những sự hấp dẫn về tiền tài, địa vị, danh vọng, thật khó để các cầu thủ có thể đưa ra quyết định ra nước ngoài thử sức trong một môi trường hoàn toàn mới, với đầy rẫy những rủi ro, khó khăn đang chờ đón.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tắt [X]